Tất cả về AI - Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence
AI - Trí tuệ nhân tạo là gì?
Công nghệ AI (viết tắt của Artifical Intelligence) hoặc trí thông minh nhân tạo là công nghệ mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người cho máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính. Các quá trình này bao gồm việc học tập (thu thập thông tin và các quy tắc sử dụng thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định), và tự sửa lỗi. Các ứng dụng đặc biệt của AI bao gồm các hệ thống chuyên gia, nhận dạng tiếng nói và thị giác máy tính (nhận diện khuôn mặt, vật thể hoặc chữ viết).
Định nghĩa trí tuệ nhân tạo: (AI: Artificial Intelligence) có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. AI là một bộ phận của khoa học máy tính và do đó nó phải được đặt trên những nguyên lý lý thuyết vững chắc, có khả năng ứng dụng được của lĩnh vực này.
Khái niệm về công nghệ AI xuất hiện đầu tiên bởi John McCarthy, một nhà khoa học máy tính Mỹ, vào năm 1956 tại Hội nghị The Dartmouth. Ngày nay, công nghệ AI là một thuật ngữ bao gồm tất cả mọi thứ từ quá trình tự động hoá robot đến người máy thực tế.
Công nghệ AI gần đây trở nên nổi tiếng, nhận được sự quan tâm của nhiều người là nhờ Dữ liệu lớn (Big Data), mối quan tâm của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của dữ liệu cùng với công nghệ phần cứng đã phát triển mạnh mẽ hơn, cho phép xử lý công nghệ AI với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.
Ở thời điểm hiện tại, Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các MÁY TÍNH có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Tức là mỗi loại trí tuệ nhân tạo hiện nay đang dừng lại ở mức độ những máy tính hoặc siêu máy tính dùng để xử lý một loại công việc nào đó như điều khiển một ngôi nhà, nghiên cứu nhận diện hình ảnh, xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty,...
AI là một bộ phận của khoa học máy tính và do đó nó phải được đặt trên những nguyên lý lý thuyết vững chắc.
Nói nôm na cho dễ hiểu: đó là trí tuệ của máy móc được tạo ra bởi con người. Trí tuệ này có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi,... như trí tuệ con người. Xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người.
Rất nhiều hãng công nghệ nổi tiếng có tham vọng tạo ra được những AI (trí tuệ nhân tạo) vì giá trị của chúng là vô cùng lớn, giải quyết được rất nhiều vấn đề của con người mà loài người đang chưa giải quyết được.
Trí tuệ nhân tạo mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống loài người, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Rất nhiều chuyên gia lo lắng rằng khi trí tuệ nhân tạo đạt tới 1 ngưỡng tiến hóa nào đó thì đó cũng là thời điểm loài người bị tận diệt. Rất nhiều các bộ phim đã khai thác đề tài này với nhiều góc nhìn, nhưng qua đó đều muốn cảnh báo loài người về mối nguy đặc biệt này.
Dự báo cho rằng từ 5 đến 10 năm nữa, ngành khoa học này sẽ phát triển lên tới đỉnh cao. Hãy cùng chờ đợi những thành tựu mới nhất của loài người về lĩnh vực này.
Phân loại công nghệ AI
Phân theo mức độ phức tạp, chúng ta có thể phân công nghệ AI thành 4 loại sau:
Loại 1: Công nghệ AI phản ứng (Reactive Machine)
Một ví dụ là Deep Blue, chương trình tự động chơi cờ vua của IBM đã đánh bại kì thủ thế giới Garry Kasparov vào những năm 1990. Công nghệ AI của Deep Blue có thể xác định các nước cờ và dự đoán những bước đi tiếp theo. Nhưng nó không có ký ức và không thể sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để tiếp tục huấn luyện trong tương lai.
Loại công nghệ AI này phân tích những động thái khả thi - của chính nó và đối thủ - và chọn hành động chiến lược nhất. Deep Blue và AlphaGO (chơi cờ vây) của Google được thiết kế cho các mục đích hẹp và không thể dễ dàng áp dụng cho tình huống khác.
Loại 2: Công nghệ AI với bộ nhớ hạn chế.
Các hệ thống AI này có thể sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để đưa ra các quyết định trong tương lai. Một số chức năng ra quyết định này có mặt trong các loại thiết bị không người lái như xe, máy bay drone hoặc tàu ngầm. Kết hợp các cảm biến môi trường xung quanh công nghệ AI này có thể dự đoán được tình huống và đưa ra những bước hành động tối ưu cho thiết bị. Sau đó chúng sẽ được sử dụng để đưa ra hành động trong bước tiếp theo.
Loại 3: Lý thuyết về trí tuệ nhân tạo
Đây là một thuật ngữ tâm lý. Công nghệ AI này có thể tự mình suy nghĩ và học hỏi những thứ xung quanh để áp dụng cho chính bản thân nó cho một việc cụ thể. Loại công nghệ AI này chưa khả thi trong thời gian hiện tại.
Loại 4: Tự nhận thức
Lúc này cả hệ thống AI có ý thức về bản thân, có ý thức và hành xử như con người. Chúng thậm chí còn có cảm xúc và hiểu được cảm xúc của những người khác. Tất nhiên, loại công nghệ AI này vẫn chưa khả thi.
Còn rất lâu nữa chúng ta mới có thể đạt tới level 3 và 4 của công nghệ AI. Do đó, các bạn đừng quá lo lắng về viễn cảnh trong phim Kẻ Hủy Diệt nhé ^^
Vì sao trí tuệ nhân tạo sẽ giúp smartphone "thông minh" hơn?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được tích hợp trên smartphone từ lâu kể từ khi trợ lí ảo Siri trên iPhone ra đời. Năm 2017 chứng kiến cuộc đua tích hợp trí tuệ nhân tạo dưới dạng trợ lý ảo của các hãng smartphone như trên Google Pixel, HTC U Ultra, LG G6 và sắp tới là Galaxy S8.
Hiện tại trên smartphone, trí tuệ nhân tạo được tích hợp dưới dạng một trợ lí ảo kể từ khi Siri trên iPhone được Apple giới thiệu. Người dùng iPhone có thể ra lệnh cho Siri bằng giọng nói, không cần thực hiện thao tác trên màn hình.
Trợ lí ảo Siri đã xuất hiện từ rất sớm từ đời iPhone 4S
Thực tế, Siri có thể giúp iPhone thông minh hơn nhờ có thể những tác vụ thông minh qua điều khiển giọng nói như: nhắc nhở; đọc, soạn và gửi tin nhắn; thông báo thời tiết; tìm thông tin; thiết lập một cuộc hẹn; gửi email; chỉ đường; bật một bản nhạc; tán gẫu những câu cơ bản với Siri.
Sense Companion - trợ lí ảo mới được giới thiệu trên HTC U Ultra cũng có thể thực hiện các hành động thông minh: nếu trời mưa, Sense Companion sẽ hiện thông báo trước khi người dùng ra khỏi nhà; nếu đang trong giờ nghỉ và không có ghi chú cấp bách nào, trợ lí ảo này cũng sẽ tự động tắt các chuông báo giờ cài đặt trước đó.
Trí tuệ nhân tạo sẽ là tương lai của điện thoại thông minh
Đó là những gì mà Tim Cook - CEO của Apple phát biểu trong buổi chia sẻ về các sản phẩm tương lai của hãng với tờ báo Washington Post - "Trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho thiết bị của bạn trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết, thậm chí không thứ nào có thể thay thế được loại trí tuệ này."
Sắp tới, các thiết bị Android đều sẽ được trang bị trợ lí ảo Google Assistant
Trong vòng gần nửa năm qua đã có rất nhiều hãng smartphone bắt đầu tích hợp trợ lí ảo trên các flagship cao cấp của mình: Google Assistant trên Google Pixel và LG G6, Sense Companion trên HTC U Ultra hay Bixby trên Galaxy S8 sắp tới.
Công nghệ trợ lí ảo trên smartphone chỉ mới xuất hiện một vài năm gần đây và có lẽ trong thời gian tới, khi được tích hợp trên nhiều chiếc flagship mới, công nghệ này sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, biến trợ lí ảo thành khái niệm không thể tách rời với smartphone.
Trợ lí ảo trên smartphone chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam
Mặc dù trợ lí ảo Siri trên iPhone đã được giới thiệu cách đây 6 năm (trên iPhone 4S vào năm 2011) nhưng đến nay Siri vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt cho người dùng. Nếu muốn ra lệnh cho Siri, người dùng vẫn phải dùng tiếng Anh hoặc một số ngôn ngữ khác.
Các trợ lí ảo khác như Cortana trên các thiết bị chạy Windows, hay Google Assistant mới đây cũng chưa hỗ trợ tiếng Việt. Điều này khiến đa phần người dùng ở Việt Nam rất khó tiếp cận với công cụ mới này trên smartphone.
Hi vọng thời gian sắp tới các trợ lí ảo sẽ sớm hỗ trợ tiếng Việt để người dùng dễ tiếp cận hơn với một công cụ vô cùng hữu ích trên smartphone này.
Chip Ai là gì? Nó có công dụng và khác với chip thông thường như thế nào?
Theo Engadget, những công ty công nghệ lớn nhất hoàn toàn ủng hộ cuộc cách mạng về AI. Apple, Qualcomm và Huawei với các cách tiếp cận khác nhau đã chế tạo vi xử lý dành cho di động được thiết kế để giải quyết tốt hơn các tác vụ machine-learning.
Ở IFA năm nay, Huawei đã giới thiệu Kirin 970 và gọi đây là con chip đầu tiên sở hữu bộ vi xử lý thần kinh chuyên dụng (NPU). Sau đó, Apple ra mắt A11 Bionic sử dụng trên iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X cung cấp bộ máy thần kinh được giới thiệu là xây dựng dành cho machine-learning (Phương pháp phân tích dữ liệu cho phép tự động hóa việc xây dựng mô hình phân tích).
Mới đây nhất, vào tuần trước, Qualcomm cũng đã công bố chip Snapdragon 845 với điểm nổi bật là khả năng gửi tác vụ AI tới các lõi phù hợp nhất.
Không có nhiều sự khác biệt giữa phương pháp tiếp cận của ba công ty, chúng đều nói về mức độ truy cập họ cung cấp cho các nhà phát triển và lượng điện năng mỗi thiết lập tiêu thụ.
Vi xử lý AI là gì? Nó khác với chip bình thường như thế nào?
Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu liệu một con chip AI có thực sự khác biệt với những loại CPU hiện tại.
Gần đây, một thuật ngữ bạn có thể nghe thấy khá nhiều trong ngành công nghiệp liên quan đến AI là "tính toán không đồng nhất". Nó đề cập đến các hệ thống sử dụng nhiều loại vi xử lý, mỗi loại có các chức năng chuyên biệt để đạt hiệu năng cao hoặc tiết kiệm năng lượng.
Ý tưởng này không hề mới, rất nhiều vi xử lý hiện tại đang sử dụng. Những sản phẩm đến từ Huawei, Apple và Qualcomm vừa nêu ở đầu bài đều sử dụng cùng khái niệm, chỉ là ở các mức độ khác nhau.
Từ 3 năm trở lại đây, CPU cho smartphone đã áp dụng kiến trúc big.LITTLE của ARM, kết hợp nhân chậm hơn nhưng tiết kiệm năng lượng với nhân mạnh hơn nhưng tiêu hao điện năng nhanh hơn. Mục tiêu chính là sử dụng ít năng lượng nhất có thể để cải thiện tuổi thọ pin.
Một số điện thoại đầu tiên sử dụng kiến trúc này là Galaxy S4 với chip Exynos 5 do Samsung tự sản xuất, Mate 8 và Honor 6 của Huawei. Galaxy S4 với chip Exynos 5 và kiến trúc big.LITTLE
Sự phát triển của chip AI
Những con chip dành cho AI ra mắt năm nay đưa khái niệm "tính toán không đồng nhất" lên tầm cao mới bằng cách thêm một thành phần chuyên dụng để thực hiện các tác vụ machine-learning, mà trong trường hợp của Snapdragon 845 là sử dụng số lõi năng lượng thấp.
Cụ thể hơn, Snapdragon 845 có thể kích hoạt bộ xử lý tín hiệu số (DSP) để giải quyết các tác vụ hoạt động trong thời gian dài, đòi hỏi nhiều phép toán lặp đi lặp lại. Mặt khác, những hoạt động như nhận dạng hình ảnh được quản lý tốt hơn bởi GPU - Giám đốc Quản lý Sản phẩm tại Qualcomm, ông Gary Brotman nói với Engadget.
Tính năng Animoji trên iPhone X
Trong khi đó, A11 Bionic của Apple sử dụng công cụ thần kinh bên trong GPU để tăng tốc độ Face ID, Animoji và một số ứng dụng của bên thứ ba. Điều đó nghĩa là khi bạn kích hoạt các quy trình này trên iPhone X, chip A11 bật công cụ thần kinh để thực hiện những phép tính cần thiết nhằm xác minh bạn là ai (Face ID) hoặc vẽ bản đồ biểu hiện trên khuôn mặt của bạn (Animoji).
Trên Kirin 970, NPU đảm nhiệm các tác vụ như quét và dịch từ ngữ trong ảnh chụp bằng công cụ Translator của Microsoft, ứng dụng bên thứ ba duy nhất tính đến nay được tối ưu hóa cho con chip này.
Huawei cho biết kiến trúc tính toán không đồng nhất có tên "HiAI" của hãng sẽ tối ưu hóa hiệu suất hầu hết các thành phần trên chipset, do đó nó có thể giao nhiệm vụ AI cho nhiều bộ phận hơn, không chỉ NPU. Huawei là một trong những hãng đi theo trào lưu chip AI với Kirin 970
Chip AI làm được những gì?
Với kiến trúc mới, giờ đây, những phép tính thực hiện bằng machine-learning mà trước kia từng được sử dụng để xử lý thao tác trên đám mây có thể hoạt động hiệu quả hơn trên thiết bị.
Bằng cách sử dụng các bộ phận khác ngoài CPU để chạy tác vụ AI, điện thoại của bạn có khả năng làm nhiều việc cùng lúc, vì vậy bạn ít gặp phải tình trạng giật lag khi chờ một bản dịch hoặc tìm kiếm một bức ảnh.
Thêm vào đó, chạy các quy trình này trên điện thoại thay vì gửi chúng lên đám mây cũng tốt hơn cho sự riêng tư, khi bạn đã giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn về việc bị tin tặc lấy cắp dữ liệu.
Chip A11 Bionic trên các mẫu iPhone 2017 cũng là một vi xử lý AI
Một lợi thế lớn khác cho các con chip AI là khả năng tiết kiệm năng lượng. Sức mạnh là nguồn tài nguyên quý giá cần được phân bổ thận trọng, vì một số hành động có thể lặp lại cả ngày.
Do GPU có xu hướng tiêu thụ nhiều điện năng nên nếu tác vụ nào đó mà DSP (vốn quản lý năng lượng hiệu quả hơn) có thể thực hiện với kết quả tương tự, sẽ tốt hơn là kích hoạt GPU cho những trường hợp khác.
Vi xử lý không tự chúng quyết định những lõi sử dụng khi thực hiện một số tác vụ cụ thể. "Ngày nay, các nhà phát triển và nhà sản xuất có quyền lựa chọn chạy nó ở đâu", Brotman nói.
Tương lai của chip AI hiện vẫn còn bỏ ngỏ
Cho đến nay, chưa có con chip AI nào mang lại lợi ích đáng kể. Các nhà sản xuất chip sẽ tiếp tục tự đưa ra kết quả thử nghiệm và điểm số Benchmark cho đến khi quy trình xử lý bằng AI trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Trong tương lai, chip AI sẽ làm được nhiều hơn là dịch văn bản từ ảnh chụp bằng camera?
Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của việc machine-learning tích hợp trên thiết bị. Đồng thời, rất ít nhà phát triển sử dụng phần cứng mới.
Tuy nhiên, như một quy luật tất yếu của vận động và tiến hóa, ngay từ bây giờ, cuộc đua đưa tác vụ machine-learning lên thiết bị nhanh hơn cũng như đạt sự cân bằng tốt hơn giữa hiệu năng và tiêu thụ điện đã bắt đầu.
Người dùng được hưởng lợi rất nhiều từ chip AI
Tốc độ xử lý nhanh các tác vụ phức tạp, đòi hỏi thuật toán chuyên sâu và bảo mật hơn là những điều người dùng sẽ được hưởng lợi từ chip AI.
Đơn cử, chip A11 Bionic trên iPhone X tích hợp thêm chip Neural Engine. Con chip riêng này hỗ trợ thuật toán máy học và mạng nơ-ron, cho phép hệ thống Face ID phân tích, nhận diện gương mặt nhanh và chính xác hơn.
Chip AI trên iPhone X có thể xử lý được tới 600 tỷ lệnh/giây, quét khuôn mặt và tạo emoji động chính xác tới từng cử chỉ. Chưa hết, chip AI còn tự học và cải thiện khả năng đọc khuôn mặt qua từng ngày.
Không kém cạnh, Huawei cũng có con chip Kirin 970 tích hợp AI cho phép máy có thể xử lý nhiều tác vụ nhận diện hình ảnh và giao tiếp bằng giọng nói. Trái ngược với các đối thủ, Oppo lại liều lĩnh đi theo một hướng khác khi tung ra A.I Beauty trên Oppo F5. Đây là công nghệ kết hợp giữa AI và camera selfie, cho phép tạo ra những bức ảnh tự sướng có hồn và "lung linh" hơn bao giờ hết.
Tất cả những con chip AI nhờ được tích hợp ngay trên máy nên giúp hạn chế tối đa nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân từ máy chủ bên ngoài. Lợi ích đã quá rõ ràng, chỉ có điều liệu các hãng đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng AI mới hay chưa mà thôi.
Những hãng nào đang dẫn đầu xu hướng đưa AI lên smartphone?
Năm 2017 chứng kiến cuộc đua mang AI lên smartphone vô cùng quyết liệt điển hình như iPhone X, Pixel 2, Oppo F5 hay Galaxy S8. Nhưng rõ ràng nhất chính là Apple và Google với iPhone X hay Pixel 2.
Nếu chip AI trên iPhone X là cánh tay đắc lực cho tính năng Face ID hay Animoji thì với Pixel 2, AI cho phép camera của máy có thể chụp ảnh xóa phông xuất sắc mà không cần camera kép như Galaxy Note8 hay Galaxy S9+. Tính năng chụp ảnh xóa phông của máy ấn tượng đến nỗi có thể giúp camera đơn làm được điều chỉ camera kép mới thực hiện được.
Các hãng khác đang học tập rất nhanh
Trong khi đó, các hãng điện thoại khác như Asus đã rất nhanh nhạy đưa AI trở thành một phần của smartphone mới: Zenfone 5. Mẫu smartphone này còn được trang bị nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng bao gồm AI Boost (tự tăng tối đa hiệu năng khi chơi game), AI Photography (tự học hỏi thói quen chỉnh sửa ảnh, chụp chân dung của người dùng để cải thiện camera), AI Display (luôn mở khi bạn nhìn vào và tự động điều chỉnh nhiệt độ màu theo môi trường) và thậm chí cả AI Ringtone (tự động điều chỉnh âm lượng loa theo mức độ ồn ào của môi trường xung quanh).
Trong khi đó, Oppo vẫn trung thành với selfie, đúng như hãng tự xưng "chuyên gia selfie", bằng cách áp dụng AI lên camera selfie. Dòng smartphone kế tiếp, mang tên Oppo F7 hứa hẹn tiếp tục nâng tầm AI Beauty lên 1 đẳng cấp mới.
Ngay từ phiên bản trước, AI Beauty giúp camera nhận diện tới hơn 200 điểm khác biệt trên khuôn mặt, gồm màu da, giới tính hay độ tuổi… Sau đó, AI Beauty tiếp tục căn chỉnh đường nét gương mặt, xóa bỏ chi tiết thừa và đem tới một gương mặt đẹp tự nhiên nhất. Ngoài ra, AI Beauty cho phép camera có thể phân biệt được gương mặt nam hoặc nữ. Nhờ đó, máy sẽ biết nên căn chỉnh làn da hay đường nét gương mặt sao cho phù hợp nhất với hai giới.
AI Beauty thậm chí còn rất ham học, chủ động tự trau dồi kỹ năng "make up" khuôn mặt cho bạn. Càng chụp selfie nhiều, ảnh của bạn sẽ càng ngày càng đẹp hơn. Nói không ngoa khi smartphone Oppo lúc này giống như một thợ trang điểm lành nghề vậy.
Sự xuất hiện của AI trên smartphone đem tới một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt cho người dùng. Tuy mới dừng ở mức cơ bản nhưng chắc chắn không bao lâu nữa, AI sẽ giống như một tiêu chuẩn phải có và tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mỗi hãng.
(st)
Có thể bạn quan tâm:
IoT là gì? ứng dụng của IoT trong cuộc sống hiện đại
Using IoT and Fleet Management
Hệ thống Giao thông Thông minh (lntelligent Transport System - ITS)
Điện thoại thông minh (smartphone) là gì?
Hiện trạng triển khai hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam
Ứng dụng in rửa ảnh thông minh trên smartphone và máy tính bảng
Logistics thông minh và những chuyến xe "chạy rỗng"
Giải pháp giao thông, giải pháp vận tải, giải pháp giao vận
Di chuyển thông minh (Smart mobility) là gì?
Quyền năng mới thuộc về chiếc điện thoại thông minh và máy tính ...
Hệ thống quản lý văn bản thông minh
Hệ thống chấm công từ xa thông minh SAttendance và hệ thống ...
Hệ thống giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thông minh SCatalog và ...
Rút tiền từ ATM bằng điện thoại thông minh
Phòng khám, bệnh viện thông minh
Giải pháp giao thông thông minh, công nghệ giao thông
DVMS chuyên:
- Tư vấn, xây dựng, chuyển giao công nghệ Blockchain, mạng xã hội,...
- Tư vấn ứng dụng cho smartphone và máy tính bảng, tư vấn ứng dụng vận tải thông minh, thực tế ảo, game mobile,...
- Tư vấn các hệ thống theo mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Grab, ứng dụng giúp việc,...
- Xây dựng các giải pháp quản lý vận tải, quản lý xe công vụ, quản lý xe doanh nghiệp, phần mềm và ứng dụng logistics, kho vận, vé xe điện tử,...
- Tư vấn và xây dựng mạng xã hội, tư vấn giải pháp CNTT cho doanh nghiệp, startup,...
Vì sao chọn DVMS?
- DVMS nắm vững nhiều công nghệ phần mềm, mạng và viễn thông. Như Payment gateway, SMS gateway, GIS, VOIP, iOS, Android, Blackberry, Windows Phone, cloud computing,…
- DVMS có kinh nghiệm triển khai các hệ thống trên các nền tảng điện toán đám mây nổi tiếng như Google, Amazon, Microsoft,…
- DVMS có kinh nghiệm thực tế tư vấn, xây dựng, triển khai, chuyển giao, gia công các giải pháp phần mềm cho khách hàng Việt Nam, USA, Singapore, Germany, France, các tập đoàn của nước ngoài tại Việt Nam,…
Quý khách xem Hồ sơ năng lực của DVMS tại đây >>
Quý khách gửi yêu cầu tư vấn và báo giá tại đây >>